Mẹo chữa trị sổ mũi hiệu quả

Thời tiết thay đổi thất thường, môi trường ô nhiễm, vi khuẩn tấn công,... khiến cho sổ mũi ngày càng trở nên phổ biến. Với người lớn, sổ mũi khiến cho người bệnh cảm thấy khó chịu, không thoải mái, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc cũng như nhiều hoạt động khác. Ở trẻ nhỏ, sức đề kháng còn non yếu, nếu tình trạng này kéo dài còn có thể gây ra những nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng khác. Vậy làm sao để chấm dứt sổ mũi mà không lạm dụng thuốc? Dưới đây là một số biện pháp bạn có thể áp dụng trước khi tới gặp bác sỹ.

Phương pháp trị sổ mũi đơn giản

Rửa mũi bằng nước muối

rua mui Chất dịch do niêm mạc mũi tiết ra bình thường có tác dụng làm ẩm không khí khi đi vào mũi, đồng thời góp phần bảo vệ niêm mạc mũi. Khi có nguyên nhân nào đó khiến lượng dịch này tiết ra nhiều hơn, đặc quánh lại sẽ gây ra sổ mũi. Do vậy, bạn nên rửa mũi bằng nước muối để làm loãng chúng, giúp tống chúng ra ngoài dễ dàng cũng như làm bạn dễ chịu hơn. Bạn có thể dùng nước muối sinh lý NaCl 0,9% hoặc nước muối biển có bán tại các hiệu thuốc hay tự pha nước muối theo hướng dẫn sau: hòa nửa thìa cà phê muối vào ¼ lít nước (khoảng 2/3 lon bia nếu bạn không có dụng cụ đong). Nước muối sẽ không làm bạn khó chịu như nước sạch thông thường vì có lượng muối phù hợp giống như nước mũi hay nước mắt của bạn vậy. Để rửa mũi, bạn ngửa đầu ra sau, nhỏ nước muối vào từng bên một, hít nhẹ cho nước có thể chảy xuống sâu hơn, mỗi lần rửa nên nhỏ hoặc xịt vài ba lần để thấy hiệu quả. Bạn cũng có thể rửa mũi cho trẻ nhỏ, kể cả trẻ sơ sinh. Khi đó bạn lưu ý chọn đúng loại nước muối có thể dùng được cho trẻ sơ sinh và cần đảm bảo vệ sinh trong quá trình chuẩn bị và rửa mũi cho trẻ.

Súc miệng bằng nước muối

Với nước muối có nồng độ như trên, bạn cũng có thể dùng để súc miệng: ngậm một ngụm nước rồi ngửa cổ lên để nước muối có thể chảy xuống cổ họng, sau đó tống hơi lên để nước muối bị đẩy ngược trở lại gây nên tiếng động trong cổ họng. Biện pháp này vừa giúp làm sạch bộ phận phát âm vừa hỗ trợ làm sạch mũi do một phần nước muối bị tống ngược lên trên.

Uống nhiều nước

Khi bạn sổ mũi, nước mũi không chỉ chảy ra mũi phía trước mà còn có một phần chảy xuống phía sau họng gây ra ngứa ngáy, khó chịu. Uống nhiều nước giúp cuốn trôi phần dịch mũi đó khiến bạn dễ chịu hơn, bớt phải đằng hắng, đồng thời cũng hỗ trợ làm loãng dịch mũi nhầy. Uống nước ấm pha với một chút chanh là tốt nhất, nếu khó chịu với vị chua của chanh, bạn có thể bỏ thêm ít đường hoặc mật ong.

Giữ ấm cơ thể

Sổ mũi có thể xảy ra khi bạn tiếp xúc với không khí lạnh, khô, nhất là ở trẻ nhỏ. Do vậy, giữ ấm cơ thể là một biện pháp nhằm tránh sổ mũi nặng hơn hay mắc thêm các bệnh khác. Giữ ấm cũng giúp bạn tiết kiệm phần năng lượng mất đi cho việc làm ấm cơ thể, giành phần đó để tập trung chống lại những tác nhân gây bệnh.

Xông hơi

xong hoi Tiếp xúc với hơi nóng giúp làm loãng dịch nhầy, khiến mũi trở nên thông thoáng và dễ thở hơn. Bạn có thể xông hơi đơn giản bằng cách đổ nước nóng ra chậu hay bát to rồi hít hơi nóng bốc lên, hoặc cho thêm chút muối trắng vào bát nước. Nếu có thể, đun nước nóng với các loại lá có chứa tinh dầu để xông cũng là một gợi ý hay.

Nằm kê cao đầu

Cách này giúp bạn giảm bớt sự khó chịu do sổ mũi mỗi khi nằm, nhất là khi đi ngủ. Nằm đầu thấp khiến cho dịch mũi khó chảy xuống họng dẫn đến ứ trệ, tắc lại ở mũi, làm cản trở việc hít thở, khiến bạn mất ngủ, ngủ không ngon giấc. Do vậy, chỉ cần một hành động nhỏ là kê thêm một chiếc gối khi đi ngủ cũng có thể giúp bạn ngon giấc hơn. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý, tránh kê gối quá cao nếu không muốn mình đau ê ẩm hai vai và cổ khi thức dậy.

Phòng ngừa sổ mũi

Cách hay nhất để không bị làm phiền bởi sổ mũi, đó là phòng bệnh. Đôi khi chỉ cần những hành động đơn giản cũng có thể giúp bạn tránh được tình trạng đáng ghét này. Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh, thay đổi thời tiết, chú ý vùng cổ, ngực. Một chiếc khăn quàng hợp thời trang vừa giúp bạn thêm phong cách lại có thể ngăn ngừa được bệnh thì sao lại từ chối nhỉ? Đeo khẩu trang mỗi khi ra đường, tiếp xúc với lạnh, bụi bẩn. Làm ẩm không khí xung quanh khi tiết trời khô hanh. Nếu bạn chưa có điều kiện dùng máy tạo độ ẩm, bạn có thể để một chậu nước trong phòng để thay thế, chú ý thay nước và vệ sinh máy thường xuyên để tránh bụi bẩn, vi khuẩn. Sổ mũi đơn thuần thường nhẹ và ít khi cần phải dùng thuốc. Do vậy, bạn nên thử áp dụng các cách trên trước khi dùng thuốc. Khi sổ mũi không cải thiện hoặc có các dấu hiệu nặng, bạn nên tới gặp bác sỹ, tránh tự ý dùng thuốc tại nhà.
Cập nhật lúc: 17/01/2024
*ƯU ĐÃI* nhân dịp sinh nhật 12 tuổi: Tích đủ 12 điểm tặng ngay 1 hộp trà Đông trùng hạ thảo hoặc 1 hộp Đông trùng hạ thảo 20 viên trị giá 600.000đ. (Áp dụng song song với chương trình tích đủ 6 điểm tặng 1 hộp 20 viên). Chi tiết vui lòng liên hệ 1800.6397
Loading...